Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, Hà Nội đã và đang phát triển rất nhanh chóng, trở thành một trong những thành phố hiện đại bậc nhất châu Á, nhưng vẫn giữ nguyên được những nét truyền thống rất “Việt Nam”. Vì lẽ đó, du lịch Hà Nội vẫn luôn là lựa chọn ưa thích của rất nhiều du khách trong nước và quốc tế khi đến thăm Việt Nam. Hôm nay, hãy cùng Hanoi International Hotel khám phá 15 địa điểm bạn nhất định phải ghé nếu đến thăm Hà Nội trong năm 2024. 

Hà Nội nhìn từ trên cao

Giới thiệu du lịch Hà Nội – Thành phố ngàn năm văn hiến

Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La (tức Thăng Long – Hà Nội ngày nay). Kể từ đó tới nay, Hà Nội – với địa thế thuận lợi và điều kiện thời tiết ôn hòa trong cả 4 mùa (xuân, hạ, thu, đông), đã phát triển rất nhanh, trở thành một điểm du lịch nổi tiếng trong khu vực và trên thế giới. Đây cũng là địa phương có nhiều di tích nhất Việt Nam, với 3840 di tích, trong đó có 1164 di tích cấp quốc gia. Nhắc tới Hà Nội, du khách sẽ nghĩ ngay tới những di tích lịch sử hàng ngàn năm tuổi, những món ăn độc đáo, ngon miệng, những vỉa hè dày đặc hàng quán và những con phố rợp bóng cây xanh. Du lịch Hà Nội vô cùng đa dạng về hình thức, từ du lịch tâm linh – lịch sử, du lịch văn hóa, cho tới du lịch nghỉ dưỡng; từ đó đem tới cho du khách những trải nghiệm đa dạng, thú vị và đậm đà bản sắc. 

Cốm non – một thức quà của Hà Nội

Đi du lịch Hà Nội mùa nào đẹp nhất? 

Thời tiết Hà Nội được chia thành 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông rất rõ rệt. Vào mỗi mùa, không khí, cảnh vật, con người Hà Nội đều có những nét quyến rũ rất riêng. Vì thế, du khách có thể tới Hà Nội vào bất cứ mùa nào trong năm, thậm chí, nên dành thời gian tới vào từng mùa để có thể cảm nhận được hết vẻ đẹp của Hà Nội. 
  • Mùa xuân: từ tháng 2 đến tháng 4
Đây là khoảng thời gian của những cơn mưa phùn (hay còn gọi là “mưa xuân”) đặc trưng. Tiết trời Hà Nội lúc này se lạnh, nhưng vẫn đủ ấm áp để bạn dành cả ngày khám phá các địa điểm ngoài trời, và đắm chìm trong những sắc hoa rực rỡ. Một chuyến du xuân tới các làng hoa, chợ hoa truyền thống là một lựa chọn tuyệt vời.
  • Mùa hè: từ tháng 5 đến tháng 7
Đặc trưng của mùa hè Hà Nội là cái nắng oi ả. Vào khoảng thời gian này, du khách có thể ghé thăm Hồ Gươm hay Hồ Tây để tận hưởng những cơn gió mát dịu và thưởng thức các món ăn vặt vỉa hè truyền thống mát lạnh; hoặc mua sắm, trải nghiệm ẩm thực bốn phương trong các trung tâm thương mại hiện đại, sầm uất quanh thành phố.
  • Mùa thu: từ tháng 8 tới tháng 10
Nhiều người vẫn nói rằng đây là mùa Hà Nội đẹp nhất trong năm với nắng vàng dịu và những cơn gió mát lành. Đây cũng là mùa Hà Nội đậm hương hoa sữa và thoang thoảng mùi cốm non. 
  • Mùa đông: từ tháng 11 đến tháng 1
Đây là thời điểm của những cơn gió lạnh thấu da thịt, nhưng cũng là mùa các du khách có thể thưởng thức rất nhiều món ngon nóng hổi được bày bán trên vỉa hè của rất nhiều con phố. Mặc một chiếc áo bông thật ấm và thưởng thức bát xôi chè nóng hổi trên phố Hàng Gai chính là một trải nghiệm chắc chắn bạn phải thử khi đến với Hà Nội vào mùa này. 

Hồ Gươm vào thu

15+ địa điểm bạn nhất định phải ghé khi đi du lịch Hà Nội

1. Hồ Gươm – biểu tượng của du lịch Hà Nội

  • Địa chỉ: phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Hồ Gươm nằm ở trung tâm thành phố Hà Nội, được bao quanh bởi 36 phố phường cổ của thủ đô. Bên cạnh Hồ Gươm là nhiều di tích rất nổi tiếng, mang ý nghĩ tinh thần lớn với người Việt Nam như: tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc,… Ngoài việc đi dạo quanh hồ, du khách có thể thưởng ngoạn các địa điểm kể trên, rồi vào phố cổ thưởng thức rất nhiều món ăn ngon đặc sắc lâu đời và vô cùng nổi tiếng. Mỗi dịp cuối tuần, Hồ Gươm lại nhộn nhịp, đông vui với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao và phố đi bộ được tổ chức.

Hồ Gươm trong nắng sớm

2. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

  • Địa chỉ: số 8 đường Hùng Vương, phường Điện Bàn, quận Ba Đình
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một di tích lịch sử quan trọng bậc nhất của Hà Nội, là nơi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam, và cũng là nơi Bác yên nghỉ sau khi dành cả đời cống hiến vì nền độc lập của đất nước.  Bên cạnh việc vào lăng viếng Bác, thăm đền thờ và bảo tàng Hồ Chí Minh, lễ thượng cờ (lúc 6h sáng) và hạ cờ (lúc 9h tối) là trải nghiệm nhất định bạn không thể bỏ lỡ khi đến với Hà Nội. Mỗi ngày, lượt du khách ghé địa điểm này là vô cùng lớn, và ai cũng dành sự tôn trọng, nghiêm trang khi đến nơi đây. 

Nghi lễ thượng cờ tại Lăng Bác

3. 36 phố phường cổ Hà Nội

  • Địa chỉ: phía Tây và Bắc của hồ Hoàn Kiếm, quận Hoàn Kiếm
Đây là một khu vực rộng lớn bao trọn những con phố trung tâm của Hà Nội cổ xưa. Từng ngôi nhà, từng góc phố ở đây đều mang đậm vẻ đẹp truyền thống của thủ đô “ngàn năm văn hiến”, nơi kiến trúc, văn hóa và lối sống của người Hà thành vẫn đang được lưu giữ trọn vẹn.  Tuy nhiên, đường xá ở đây khá nhỏ và khó di chuyển do mật độ dân cư cao. Đây cũng là một điểm du khách cần lưu ý khi tới đây.   

Phố Hàng Mã vào Tết Trung thu

4. Hoàng Thành Thăng Long

  • Địa chỉ: Số 19C Hoàng Diệu, quận Ba Đình
Đây là quần thể di tích tiêu biểu, nơi phản ánh ánh tiến trình lịch sử Việt Nam trong suốt 13 thế kỉ (XI – XVIII). Tại đây có rất nhiều công trình kiến trúc đồ sộ và giàu tính biểu tượng như Cột cờ Hà Nội, Cửa Bắc, Điện Kính Thiên, Đoan Môn. Bên cạnh lựa chọn tự khám phá, Ban quản lí di tích Hoàng thành Thăng Long còn cung cấp một tour đêm mang tên “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, mang tới cho du khách trải nghiệm tìm hiểu về lịch sử các triều đại của Việt Nam ấn tượng, với sự kết hợp của âm thanh, ánh sáng và các công nghệ vô cùng hiện đại. 

Hoàng thành Thăng Long

5. Văn Miếu – Quốc Tử Giám

  • Địa điểm: Số 58, phố Quốc Tử Giám, phường Văn Miếu, quận Đống Đa
Đây là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, được xây dựng từ thời Lý. Trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám hiện đang lưu trữ 82 tấm bia tiến sĩ, được UNESCO công nhận là “Di sản tư liệu thế giới”.  Khu di tích là biểu tượng của tinh thần hiếu học, truyền thống coi trọng người tài của dân tộc Việt Nam từ xưa tới nay. 

Văn Miếu – Quốc Tử Giám

6. Hồ Tây

  • Địa điểm: quận Tây Hồ
Đây là hồ tự nhiên có diện tích lớn nhất thủ đô với tổng diện tích lên tới 500 ha, chu vi khoảng 20km. Bao quanh hồ Tây là nhiều hàng cây xanh, góp phần tạo nên bầu không khí trong lành và mát mẻ tại khu vực này.  Tại Hồ Tây, du khách có thể thưởng thức 2 món đặc sản: bánh tôm và kem, trải nghiệm chèo thuyền SUP hoặc đạp thuyền vịt quanh hồ.

Hồ Tây nhìn từ trên cao

7. Chùa Trấn Quốc

  • Địa điểm: số 46, đường Thanh Niên, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ
Với tuổi đời lên tới 1500 tuổi, đây là một trong số những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam và từng lọt vào Top 10 ngôi chùa có kiến trúc Phật giáo đẹp nhất thế giới. Chùa Trấn Quốc được xây dựng từ thời Lý, theo hệ phái Bắc Tông.  Trong chùa hiện thờ Phật A Di Đà, Phật Thích Ca Mâu Ni và Phật Bà Quan Âm. Chùa cũng có ban thờ Quan Bình, Quan Vũ, Chu Thương, Đức Ông và các thị giả. 

Chùa Trấn Quốc bên Hồ Tây

8. Chùa Một Cột

  • Địa điểm: nằm trong quần thể di tích Quảng trường Ba Đình và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chùa Một Cột là một trong những ngôi chùa cổ và có kiến trúc độc đáo bậc nhất, là địa điểm du lịch tâm linh không thể bỏ qua khi đến với Hà Nội.  Ngôi chùa được xây dựng mô phỏng hình dáng của một đóa hoa sen, đại diện cho bông hoa mà Phật Bà Quan Âm ban tặng cho vua Lý Thái Tông trong giấc mộng của ông. 

Kiến trúc độc đáo của chùa Một Cột

9. Di tích Nhà tù Hỏa Lò

  • Địa điểm: số 1 phố Hỏa Lò, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm
Nhà tù Hỏa Lò được xây dựng từ thời Pháp thuộc, từng là 1 trong số 3 “địa ngục trần gian” nơi giam giữ các chiến sĩ cách mạng yêu nước Việt Nam cách đây 120 năm.  Di tích hiện vẫn lưu giữ và tái hiện đầy chân thực và sống động cuộc sống đầy gian khổ của các tù nhân, các hình thức tra tấn dã man và ghê rợn. Tới tham quan di tích, bạn có thể cảm nhận được những vất vả, gian lao mà các chiến sĩ cách mạng đã phải chịu đựng, và hiểu rõ những hy sinh của các anh hùng cho nền độc lập mà chúng ta đang có ngày nay. 

Cổng di tích Nhà tù Hỏa Lò

10. Cầu Long Biên

  • Địa chỉ: quận Long Biên 
Cầu Long Biên được thực dân Pháp xây dựng để nối hai bờ sông Hồng, đồng thời, kết nối giao thương, từ đó, dễ dàng khai thác tài nguyên của Hà Nội và khu vực lân cận. Kể từ khi được hoàn thiện, cầu Long Biên đã chứng kiến rất nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc ta: là nơi những tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, là ụ pháp cao xạ cùng bộ đội ta chống trả các đòn không kích của máy bay Mỹ. Chính vì lẽ đó, cầu Long Biên còn có tên gọi khác là “chứng nhân lịch sử”. Ngày nay, cầu Long Biên còn là một địa điểm chụp ảnh nổi tiếng với giới trẻ bởi vẻ đẹp cổ kính và kiến trúc Pháp rất độc đáo.

Cầu Long Biên – địa điểm check-in nổi tiếng của giới trẻ

 

11. Làng cổ Đường Lâm

  • Địa chỉ: Thị xã Sơn Tây
Đây là ngôi làng cổ hiếm hoi còn giữ lại được trọn vẹn những nét đặc trưng cơ bản của làng quê Việt Nam như đình làng, cây đa, bến nước, chùa miếu,… Những điều này đã làm nên giá trị nghệ thuật và lịch sử độc đáo cho ngôi làng. Đến với Đường Lâm, các du khách nên đi bộ hoặc đi xe đạp để có thể khám phá hết các ngõ ngách mà không làm ảnh hưởng tới sự tĩnh lặng, yên bình vốn có tại đây. 

Một góc làng cổ Đường Lâm

12. Làng gốm Bát Tràng

  • Địa chỉ: huyện Gia Lâm
Ngôi làng gắn với nghề gốm truyền thống, là nơi cung cấp các sản phẩm gốm thủ công tinh xảo cho phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.  Khi đến với làng gốm Bát Tràng, du khách có thể trải nghiệm nhìn các nghệ nhân trực tiếp sản xuất và vẽ tay lên gốm, hoặc thử sức làm các sản phẩm gốm của riêng mình. Bên cạnh đó, ngôi làng còn là địa điểm “check-in sống ảo” nổi tiếng với lối kiến trúc độc đáo và vô cùng đẹp mắt. 

Làng gốm Bát Tràng nhìn từ trên cao

 

13. Làng lụa Vạn Phúc

  • Địa chỉ: phường Vạn Phúc, quận Hà Đông
Theo như thư tịch cổ, nghề dệt vải lụa tại Vạn Phúc đã ra đời cách đây hơn 1000 năm. Trong lịch sử, lụa Vạn Phúc đã được giới thiệu ở các hội chợ quốc tế từ những năm 1930, và được người Pháp đánh giá là sản phẩm tinh xảo của vùng đất Đông Dương.  Hiện nay, tại làng vẫn còn khoảng 1000 khung dệt, với đa dạng các sản phẩm từ the, gấm, lụa, lĩnh.  Cũng giống như các làng nghề truyền thống khác, tới đây, du khách có thể ngắm nhìn các nghệ nhân dệt sản phẩm trực tiếp, và có thể chụp ảnh với các gian hàng lụa đầy sắc màu. 

Một góc “con đường tơ lụa

14. Nhà hát lớn Hà Nội

  • Địa chỉ: số 1A phố Tràng Tiền, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm
Công trình do người Pháp xây dựng và hoàn thành năm 1911, theo mẫu của nhà hát Opera Garnier. Kiến trúc của nhà hát được thiết kế theo lối Tân Cổ điển Pháp, với kiểu mái hai mảng lợp ngói đá đen cùng các họa tiết trang trí bên trong.  Ngoài là trung tâm văn hóa – nơi diễn ra các hoạt động nghệ thuật quan trọng của thủ đô, Nhà hát lớn còn là một địa điểm chụp hình phổ biến mang phong cách châu Âu cổ điển, sang trọng. 

Nhà hát lớn Hà Nội nhìn từ bên ngoài

15. Nhà hát múa rối Thăng Long

  • Địa chỉ: Số 57B, phường Đinh Tiên Hoàng, quận Hàng Bạc, Hoàn Kiếm
Đây là điểm đến văn hóa nổi bật không thể bỏ lỡ với các du khách yêu trải nghiệm văn hóa. Với lịch biểu diễn trải dài 365 ngày/năm, du khách có thể thoải mái sắp xếp lịch trình và tới thưởng thức múa rối, môn nghệ thuật truyền thống độc đáo riêng có của Việt Nam. 

Du khách tới xem múa rối tại Nhà hát

Hy vọng với các gợi ý trên, các bạn có thể xây dựng cho mình một lịch trình khám phá, trải nghiệm thật đáng nhớ khi đi du lịch Hà Nội thật đầy đủ và chi tiết. 

Để lại bình luận